Báo Cáo Diễn Tiến Dự Án Đại Sự Ký Biển Đông 2015 – 2017

26220445_10212754777082547_4131128302678148251_o
Trường Sa ngày biển động.

Đọc bản PDF toàn văn báo cáo ở Báo cáo diễn tiến Dự án Đại Sự Ký Biển Đông 2015 – 2017 (signed)

MỤC LỤC

A. GIỚI THIỆU DỰ ÁN ĐẠI SỰ KÝ BIỂN ĐÔNG

B. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

  1. Hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  2. Diễn biến thực địa
  3. Các yêu sách biển
  4. Quản lý và giải quyết tranh chấp Biển Đông
  5. Diễn đàn
  6. Cung cấp tư liệu
  7. Dự định năm 2018

C. LỜI KÊU GỌI

D. LỜI TRI ÂN

  1. Các nhà tài trợ Dự án trong giai đoạn 2015 – 2017
  2. Tư liệu do cộng đồng đóng góp trong giai đoạn 2015 – 2017 đã được sử dụng
  3. Các thành viên, cựu thành viên, cộng tác viên tham gia công việc Dự án trong giai đoạn 2015 – 2017

E. BÁO CÁO TÀI CHÍNH

  1. Về các khoản thu
  2. Về các khoản chi
  3. Tổng số tiền còn dư
  4. Dự tính nhuận bút chi trả trong năm 2018

———-

A. GIỚI THIỆU DỰ ÁN ĐẠI SỰ KÝ BIỂN ĐÔNG

Tranh chấp tại Biển Đông đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến việc khai thác và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn giàu có tại Biển Đông đồng thời đe dọa tự do, an toàn hàng hải tại một tuyến đường huyết mạch nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chính vì vậy, tranh chấp Biển Đông đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các học giả, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cũng như dư luận quốc tế nói chung.

Trong bối cảnh đó, nguồn thông tin, tư liệu hệ thống và khoa học sẽ rất quan trọng để các nhà phân tích, hoạch định chính sách hiểu đúng nguồn gốc và bản chất tranh chấp, từ đó có những đánh giá, giải pháp đúng đắn, hướng tới hoà bình và công bằng, an ninh và hợp tác bền vững trong khu vực.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông – South China Sea Chronicle Initiative (SCSCI) là một dự án phi lợi nhuận, phi chính trị với sứ mệnh xây dựng các biên niên sự kiện, tổng hợp và hệ thống hoá tư liệu, thông tin về các chủ đề quan trọng của tranh chấp Biển Đông theo tiêu chuẩn khoa học, đa chiều. Mục đích của Dự án nhằm góp phần cung cấp tư liệu và một bức tranh tổng thể và hệ thống về diễn tiến tranh chấp tại Biển Đông cho các nhà phân tích và hoạch định chính sách, và cho những ai đang quan tâm theo dõi và mong mỏi một giải pháp công bằng, hoà bình và hiệu quả cho tranh chấp Biển Đông.

Các biên niên sự kiện và bộ hồ sơ/tư liệu của Dự án được xây dựng, tổng hợp và nghiên cứu theo 4 hướng sau:

  1. Hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông.
  2. Diễn biến thực địa
  3. Các yêu sách biển và Luật Biển quốc tế
  4. Quản lý và giải quyết tranh chấp.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã là nơi đầu tiên công bố ra công luận vào tháng 1/2015 ý tưởng và những kết quả ban đầu về một biên niên các sự kiện chính trong tranh chấp Biển Đông gắn liền với tư liệu gốc hay gần tư liệu gốc nhất có thể. Dự án là nơi đã xây dựng được một biên niên các sự kiện sử dụng hay đe doạ vũ lực trong tranh chấp Biển Đông từ năm 1945 đầy đủ nhất trong các bản đã công bố ở công luận. Dự án cũng là nơi đầu tiên ở Việt Nam công bố hồ sơ nhân tạo của Trung Quốc cập nhật diễn tiến phát triển trên các thực thể địa lý kể từ khi Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng cho tới năm 2015, cũng như là cơ sở đầu tiên khảo sát vấn đề dân quân trên biển một cách hệ thống.

———-

B. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

I. Hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông

I.1. Kế hoạch thực hiện

– Xây dựng biên niên sự kiện chính diễn ra trên Biển Đông, phân loại sự kiện theo từng chủ đề. Mỗi sự kiện đều gắn liền với tư liệu gốc hay gần tư liệu gốc nhất có thể.

– Nghiên cứu trả lời một cách hệ thống câu hỏi những loại bằng chứng nào có giá trị pháp lý, tạo cơ sở cho việc xây dựng biên niên sự kiện lịch sử – pháp lý và phân loại các tư liệu trong kho tư liệu của Dự án được tích luỹ từ nhiều năm qua với sự đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu, thân hữu, thành viên của Dự án, cũng như cho việc khai thác một số kho tư liệu khác trên thế giới.

I.2. Đã thực hiện:

– Là nơi đầu tiên công bố ra công luận Bộ tư liệu về Biến cố Gạc Ma lưu trữ tại Liên Hợp Quốc vào năm 2015:

https://daisukybiendong.wordpress.com/2015/07/02/bien-co-gac-ma-qua-luu-tru-cua-lien-hop-quoc-ho-so-va-binh-luan/

– Tập hợp 367 văn bản pháp lý của Việt Nam về bảo vệ, quản lý và phát triển biển đảo từ thời nhà Nguyễn tới nay, chủ yếu là giai đoạn sau năm 1975.

– Là nơi đầu tiên công bố ra công luận vào tháng 1/2015 ý tưởng về một biên niên các sự kiện chính trong tranh chấp Biển Đông gắn liền với tư liệu gốc hay gần tư liệu gốc nhất có thể và có tính học thuật. Các bảng sự kiện từ trước năm 1900 tới nay (ở giai đoạn nhập sự kiện, chưa chọn lọc và thẩm định) hiện đã thu thập được tổng số 1060 sự kiện

https://daisukybiendong.wordpress.com/su-kien-da-nhap/

– Khảo sát và hệ thống hoá các công trình nghiên cứu tiếng Hoa của Đài Loan liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông:

https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/12/14/khao-sat-tu-lieu-cua-dai-loan-lien-quan-den-chu-quyen-tren-bien-dong/

I.3. Đang thực hiện

– Xây dựng Bộ tư liệu về các văn bản pháp lý của Việt Nam về bảo vệ, quản lý và phát triển biển đảo qua các thời kỳ: Hiện còn lại 80 văn bản đang chờ đọc, tóm tắt nội dung và phân loại.

– Khảo sát và hệ thống hoá các loại bằng chứng có giá trị pháp lý trong khẳng định chủ quyền.

– Tiếp tục chọn lọc, phân loại sự kiện và tư liệu theo từng chủ đề, ví dụ, tư liệu tiếng Pháp xung quanh thời kỳ Pháp thay mặt An Nam quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.

– Lập danh mục các sách tiếng Hoa của Trung Hoa đại lục trong thư viện của Dự án. 

II. Diễn biến thực địa

II.1. Kế hoạch thực hiện:

Xây dựng các biên niên sự kiện, tổng hợp tư liệu theo các chủ đề:

+ Dữ liệu các thực thể địa lý ở Biển Đông

+ Biên niên các sự kiện sử dụng và đe doạ vũ lực trên Biển Đông

+ Về vấn đề Trung Quốc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và sử dụng dân quân trong tranh chấp ở Biển Đông.

II.2. Đã hoàn thành:

– Năm 2015: Lần đầu tiên công bố ở Việt Nam Hồ sơ đảo nhân tạo của Trung Quốc cập nhật diễn tiến phát triển trên các thực thể địa lý kể từ khi Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng cho tới năm 2015:

https://daisukybiendong.wordpress.com/2015/05/15/ho-so-dao-nhan-tao-tren-bien-dong/

– Một Biên niên các sự kiện sử dụng vũ lực và đe doạ vũ lực ở Biển Đông, phiên bản tiếng Anh đã được công bố trong cuốn sách “Power Politics in Asia’s Contested Waters: Territorial Disputes in the South China Sea”, xuất bản bởi Springer International Publishing năm 2016.

https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-3-319-26152-2_25

Đây là biên niên đầy đủ nhất cho tới nay được công bố ra công luận và đã được lưu trữ tại thư viện của Cung điện Hoà Bình   (https://www.peacepalacelibrary.nl).

II.3. Đang thực hiện

II.3.1. Hồ sơ dân quân trên biển của Trung Quốc:

Mục đích:

Hồ sơ dân quân biển hết sức quan trọng trong việc hiểu rõ vai trò của lực lượng dân quân biển Trung Quốc nói riêng và chiến lược “vùng xám” nói chung mà Bắc Kinh đang tích cực triển khai trong các vùng biển nằm bên trong “Chuỗi đảo thứ nhất”. Tư duy chiến lược của Trung Quốc đang dần dần chuyển từ tư duy “lục địa” sang “hải dương” với sự nhấn mạnh vào an ninh hàng hải và đầu tư nhiều nguồn lực hiện đại hoá lực lượng hải quân. Tư duy này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực biển Đông Á trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc cũng như trong một tương lai nơi Trung Quốc trở thành cường quốc khu vực có nhiều ảnh hưởng. Hồ sơ sẽ cố gắng nêu rõ thế nào là chiến lược “vùng xám” và vị trí của lực lượng dân quân biển trong chiến lược này của Trung Quốc. Mối quan hệ của lực lượng này với hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc, cũng như quy trình chỉ huy và kiểm soát cũng sẽ được làm rõ trong hồ sơ. Cách thức bố trí lực lượng cũng như hoạt động của lực lượng này trong khoảng thời gian từ năm 2009 cho tới hiện nay cũng là một phần quan trọng của hồ sơ. Dự án hy vọng những đóng góp này sẽ cung cấp nhiều thông tin về cả lý thuyết lẫn thực tế về một lực lượng còn tương đối mới mẻ, không chỉ với trong nước mà còn với dư luận và học giả quốc tế.

(Đọc thêm chi tiết trong Báo cáo diễn tiến Dự án Đại Sự Ký Biển Đông 2015 – 2017 (signed))

II.3.2. Biên niên sự kiện sử dụng và đe doạ vũ lực trong tranh chấp Biển Đông từ năm 1945 tới nay: Phiên bản tiếng Việt và cập nhật, bổ sung.

– Đã dịch và hiệu đính từ bản tiếng Anh.

– Đang tiếp tục bổ sung thông tin, truy về tư liệu gốc cho mỗi sự kiện, cập nhật các sự kiện mới.

II.3.3. Hồ sơ vấn đề Trung Quốc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế

– Đã lập đề cương và tập hợp tư liệu

– Hiện đang viết tổng quan những nghiên cứu đã có và lập biên niên các sự kiện Trung Quốc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.  

III. Các yêu sách biển

III.1. Đã thực hiện

– Bộ Tư liệu Văn Bản Chính Thức của Liên Hợp Quốc về Luật Biển:

https://daisukybiendong.wordpress.com/category/san-pham-cua-chung-toi/bo-tu-lieubien-nien-su-kien/van-ban-chinh-thuc-lien-quan-toi-luat-bien/

III.2. Đang thực hiện và dự định tương lai

– Tập hợp bộ tư liệu về địa – pháp lý của các thực thể địa lý ở Biển Đông.

– Hồ sơ về yêu sách biển các bên, nếu tìm được người phụ trách.

IV. Quản lý và giải quyết tranh chấp Biển Đông.

IV.1. Đã thực hiện:

– Xây dựng Bộ tư liệu về vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines – Trung Quốc

https://daisukybiendong.wordpress.com/2015/10/13/tu-lieu-vu-kien-giua-philippines-va-trung-quoc-ve-tranh-chap-bien-dong-tai-toa-trong-tai/

https://daisukybiendong.wordpress.com/tag/vu-kien-philippines-trung-quoc/

– Tập hợp các bài phân tích đa chiều về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, do các thành viên và cộng tác viên Dự án viết hoặc biên dịch:

https://daisukybiendong.wordpress.com/tag/bo-quy-tac-ung-xu-tren-bien-dong/

IV.2. Đang thực hiện

– Nghiên cứu cơ chế tư vấn của Toà Án Công lý Quốc tế. Kết quả ban đầu đã được công bố tại:

https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/10/14/working-paper-chuc-nang-tu-van-cua-toa-an-cong-ly-quoc-te-cho-tranh-chap-bien-dong-bai-hoc-tu-thuc-tien-tranh-chap-chu-quyen-quan-dao-chagos/ 

V. Diễn đàn

Đây là nơi giới thiệu các nghiên cứu, báo cáo, bài bình luận đa chiều của các học giả, nhà nghiên cứu (của cả Việt Nam và thế giới) mà có giá trị học thuật hay có những ý tưởng mới đáng chú ý, hoặc gợi mở những vấn đề cần tranh luận theo 4 hướng mà Dự án theo đuổi như đã đề cập ở trên.

https://daisukybiendong.wordpress.com/category/dien-dan/

VI. Cung cấp tư liệu

Song song với thực hiện các hoạt động chính của Dự án, Dự án đã luôn sẵn lòng chia sẻ nguồn tài nguyên của Dự án tới các nhà nghiên cứu, các nhóm học thuật, cơ quan chức năng và truyền thông của Việt Nam. Như một ví dụ, Dự án đã cung cấp những tư liệu sau:

– Hồ sơ đảo nhân tạo cho Bộ Thông tin và Truyền thông theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông vào năm 2015.

– Bộ tư liệu Vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc theo lời đề nghị của cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông vào năm 2016.

– Danh mục 350 văn bản pháp lý của Việt Nam về bảo vệ, quản lý và phát triển biển đảo cùng một số tư liệu khác theo đề nghị của ông Trần Đức Anh Sơn để phục vụ cho công tác ở Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội Vụ.

– Các bảng biên niên sự kiện phuc vụ cho triển lãm Hoàng Sa – Trường Sa giai đoạn 2 của Bộ Thông tin và Truyền Thông. Được biết đề cương triển lãm được lập ra vào tháng 9/2015 cùng chung ý tưởng về biên niên sự kiện mà Dự án đã công bố lần đầu tiên ra công luận vào tháng 1/2015.

Dự án luôn sẵn lòng chia sẻ tiếp các tài liệu của mình cho các công tác liên quan đến bảo vệ chủ quyền và các quyền quốc gia trên Biển Đông, trên cơ sở bình đẳng, hai bên tôn trọng mong muốn hợp lý của nhau.

Bên cạnh đó, Dự án đã chia sẻ 17 cuốn sách về Biển Đông trong các lãnh vực luật quốc tế, quan hệ quốc tế cho các nhà nghiên cứu, giảng viên tại các trường Đại học ở Việt Nam, cũng như sinh viên/nghiên cứu sinh, cùng nhiều công trình nghiên cứu có giá trị và gây chú ý cao trong cộng đồng nghiên cứu Biển Đông thế giới.

VII. Dự định năm 2018

VII.1. Trong năm 2018, bên cạnh tiếp tục các công việc đang được thực hiện như tường thuật ở trên, Dự án Đại Sự Ký Biển Đông sẽ tiếp tục phát triển cập nhật hai bộ hồ sơ sau nhằm đáp ứng sự quan tâm các nhà phân tích Biển Đông:

  • Hồ sơ COC
  • Hồ sơ đảo nhân tạo.

VII.2. Cũng theo đề nghị của nhiều độc giả và cộng tác viên, từ năm 2018, bên cạnh chuyên mục Diễn đàn giới thiệu những nghiên cứu/bình luận đa chiều của cả học giả Việt Nam và quốc tế, Dự án Đại Sự Ký Biển Đông sẽ dành riêng một không gian trên website Dự án để giới thiệu toàn văn hay thông tin về những nghiên cứu Biển Đông của các tác giả người Việt trong và ngoài nước được công bố trên các tạp chí học thuật, phù hợp với bốn hướng đi của Dự án:

https://daisukybiendong.wordpress.com/category/nghien-cuu-cua-nguoi-viet/

———-

C. LỜI KÊU GỌI

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông là một dự án phi lợi nhuận hoạt động hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện của các thành viên và cộng tác viên Dự án, sự đóng góp của nhiều người Việt nặng lòng với đất nước. Dù mỗi người có sự nghiệp riêng và phải giành thời gian cá nhân để làm việc của Dự án, các thành viên và cộng tác viên Dự án vẫn dành hết tâm sức, khả năng của mình để cho ra những sản phẩm có chất lượng học thuật, có tính chuyên nghiệp, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn.

Với mong muốn không tạo rào cản để cộng đồng có thể dễ dàng tiếp cận tri thức Biển Đông, Dự án Đại Sự Ký Biển Đông vẫn đang cố gắng duy trì con đường cung cấp tri thức miễn phí. Để tạo điều kiện cho tri thức nhanh chóng lan toả, chúng tôi sẵn sàng để cho các nơi khác sử dụng lại với mục đích phi lợi nhuận mà không cần xin phép trước, với điều kiện phải ghi rõ nguồn và dẫn link về bản gốc tại website Dự án. Chỉ có các trường hợp sử dụng cho mục đích thương mại thì cần phải có sự cho phép trước bằng văn bản của Ban biên tập Dự án.

Để duy trì những giá trị khoa học, phi lợi nhuận, phi chính trị của Dự án, mọi khoản tài chính mà Dự án thu được chỉ dùng để duy trì Dự án phát triển, chủ yếu được dùng vào những việc phụ cấp cho các cộng tác viên Dự án, nâng cấp website, mua các tư liệu thật sự cần thiết, nhuận bút cho các tác giả có những công trình nghiên cứu có tính hệ thống và chuyên sâu. Các thành viên Dự án đã làm việc hoàn toàn không lương.

Nếu độc giả thấy rằng các sản phẩm mà Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và đã sử dụng tài liệu của Dự án trong công việc của mình, hãy giúp Dự án có thể duy trì và phát triển thông qua:

  1. Tài trợ cho Dự án, trên nguyên tắc tôn trọng các tiêu chuẩn khoa học, phi chính trị, phi lợi nhuận của Dự án.
  2. Tham gia công việc của Dự án.
  1. Ghi nhận Dự án trong các công trình, dự án, bài viết của mình theo những nguyên tắc về trích dẫn và bản quyền.

Sự ủng hộ của độc giả qua những hành động thực tế trên sẽ giúp Dự án phát triển, lan toả xa hơn để có thể thu hút thêm nhiều cộng tác viên tham gia công việc của Dự án. Như đã từng nói trong lá thư ngỏ gửi tới cộng đồng trong ngày đầu tiên Dự án chính thức hoạt động, Dự án sẽ không thể thành công và đạt được mục tiêu đề ra nếu không có sự tham gia góp sức của nhiều người.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn mọi sự đóng góp cho Dự án. Những đóng góp của cộng đồng cho Dự án trong ba năm qua sẽ được trình bày trong phần tiếp theo.

———-

D. LỜI TRI ÂN

 Trong ba năm hình thành và phát triển của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, bên cạnh thời gian và công sức của các thành viên và cộng tác viên đã tham gia vào những công việc cụ thể của Dự án, những ý kiến phản biện đầy giá trị từ các thân hữu, nhà nghiên cứu, những đánh giá, động viên ủng hộ về mặt tinh thần cho Dự án, chúng tôi đã nhận được một khối lượng vật chất dưới hai hình thức: ủng hộ tư liệu và ủng hộ tài chính, giúp làm giàu tài nguyên Dự án và giúp Dự án có thể tiếp tục duy trì và phát triển.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn những đóng góp quý giá với thiện tâm cho đất nước, cho cộng đồng người Việt nói riêng, và xa hơn, cho một giải pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông trong công bằng và hoà bình. Xin trân trọng cảm ơn Hội Luật quốc tế Việt Nam, các nhà nghiên cứu, các nhà phân tích, các bậc thức giả, các bạn trẻ, dù âm thầm hay công khai, đã đặt niềm tin vào Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, thông qua theo dõi, tham gia công việc của Dự án, đóng góp ủng hộ về vật chất và tinh thần, và góp ý phản biện Dự án để Dự án có thể nhìn thấy những điểm yếu cần hoàn thiện.

Mời xem Danh sách các nhà tài trợ tài chính, tư liệu cho Dự án, các thành viên và cộng tác viên đã tham gia góp sức cho Dự án trong ba năm qua, cùng Báo cáo tài chính tại Báo cáo diễn tiến Dự án Đại Sự Ký Biển Đông 2015 – 2017 (signed) 

Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được những sự ủng hộ và đóng góp để giúp cho Dự án có thể hoàn thành sứ mệnh của mình. Xin trân trọng cảm ơn.

Ngày 7 tháng 1 năm 2018

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Email: sukybiendong@gmail.com

5 thoughts on “Báo Cáo Diễn Tiến Dự Án Đại Sự Ký Biển Đông 2015 – 2017

    • Cảm ơn anh đã quan tâm đến việc đóng góp cho Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Mọi khoản đóng góp xin gửi về:

      Tài khoản Paypal: sukybiendong@gmail.com

      Hay chuyển khoản: Hoàng Việt. Số tài khoản: 207503269. Ngân hàng ACB (Asia Commercial Bank).

      Vui lòng ghi rõ là “Tài trợ cho Dự án ĐSKBĐ”.

      Mọi khoản tài chính mà Dự án thu được chỉ dùng để duy trì hoạt động Dự án, bao gồm trả nhuận bút cho các cộng tác viên Dự án và các tác giả, mua các tư liệu thật sự cần thiết, ví dụ dữ liệu AIS vệ tinh, và các phụ phí có thể phát sinh.

      Thông tin tài chính sẽ được đăng công khai trên website Dự án:

      https://daisukybiendong.wordpress.com/nha-tai-tro/

      Và trong báo cáo Dự án hai năm 2018-2019 sẽ được tổng kết vào cuối năm nay.

      Like

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.