[Tư liệu] Quân Dân Tam Sa Đồng Tâm Hiệp Lực Bảo Vệ Chủ Quyền

BTV: Bài báo dưới đây đăng trên Đại Công Báo của Trung Quốc, tường thuật lại chuyến đi của các phóng viên đến quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt “Khu phòng thủ thành phố Tam Sa.” Mặc dù phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã từng phủ nhận việc sử dụng dân quân trên biển trong việc “bảo vệ các quyền hàng hải” của Trung Quốc trên Biển Đông,  bài báo dưới đây đã thừa nhận sự tồn tại của lực lượng này cũng như vai trò của nó trong chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Cũng theo lời tường thuật của các phóng viên bài báo, lực lượng dân quân sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ra tới quần đảo Trường Sa.

Độc giả có thể đọc thêm tuyển tập các nghiên cứu và báo cáo về lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc tại https://seasresearch.wordpress.com/category/events-and-analyses/maritime-militia-in-the-south-china-sea/

Quân dân Tam Sa đồng tâm hiệp lực bảo vệ chủ quyền

2016/11/25 16:46:04

Đại Công Báo

Phóng Viên: Dương Phàm, Mã Tịnh

Biên dịch: Trần Thị Kim Nguyên

Hiệu đính: Chử Đình Phúc

Tam Sa, có người nói, nó đẹp như thiên đường; có người nói, nó khổ như địa ngục; nó là một thế giới khác, là nơi chan chứa tình yêu bao la, nó là mảnh đất không thể tách rời của người Trung Quốc.

Vừa qua, Phóng viên Đại Công Báo và nhóm truyền thông đi trên con tàu tiếp tế và bảo vệ tổng hợp GY820 từ Hải Khẩu đến Thành phố Tam Sa, đến thăm nhiều hòn đảo của quần đảo Tây Sa (tên Trung Quốc đặt cho quần đảo Hoàng Sa), phỏng vấn cán bộ và chiến sĩ Khu phòng thủ Tam Sa đang đảm nhận thực thi sứ mệnh bảo vệ vùng biển, chứng kiến sự trưởng thành của lực lượng dân binh trên biển, cảm nhận được tình cảm của quân và dân với tổ quốc trong việc đồng tâm hiệp lực bảo vệ chủ quyền quốc gia và các quyền lợi biển khác.

Chuyến đi biển 17 tiếng cảm nhận nỗi khổ của say sóng

Đoàn phóng viên và các nhà báo trên con tàu đồn trú Tam Sa GY820 cung cấp và bảo vệ tổng hợp xuất phát từ cảng Tú Anh, thành phố Hải Khẩu xinh đẹp, nhằm hướng đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) – Thủ phủ Thành phố Tam Sa.

Ban đầu sóng yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió. Vài giờ sau, sóng gió càng lúc càng lớn, thân tàu càng lắc mạnh, từ cửa sổ trên mạn thuyền trông ra ngoài, ngoài khung cửa khi toàn là biển, lúc chỉ là trời. Tấm rèm cửa che phủ phía bên trong lúc bay lên khi hạ xuống. Các phóng viên cảm thấy trời đất quay cuồng, những người còn lại nằm trên giường thì cảm thấy lảo đảo không vững.

Đến bữa tối. Các phóng viên thất tha thất thểu bước đến đến nhà ăn, chỉ thấy trên lối đi bên ngoài, một vài chiến sĩ trẻ trong áo ngụy trang bước loạng choạng, một số người tay nắm chặt lan can, một số người phải ngồi sụp hẳn xuống. Một thuyền viên chắc là đầu bếp cũng không thể đứng vững, phải nắm chặt vào tay vịn ở trước cửa nhà bếp. Nhà vệ sinh ở một bên bốc mùi nồng nặc, thuyền viên vào ra lũ lượt, đa số là đến để nôn vào bồn rửa.

Các phóng viên đến chỗ ngồi trong nhà ăn thì cảm thấy đầu óc quay cuồng, không thiết gì đến ăn uống, chỉ có thể miễn cưỡng ăn vài miếng. Thân tàu nghiêng lệch mạnh, xung quanh là mấy cái bàn ăn dành cho các phóng viên đặt khay thức ăn, đột nhiên bị rớt xuống sàn nhà, tức thì biến thành một mớ hỗn độn.

Sau khi được quét dọn sạch sẽ, các chiến sĩ lại tiếp tục xếp hàng để lấy cơm, ăn uống như bình thường. “Ăn rồi nôn, nôn rồi lại ăn tiếp, như thế là thường” – một thuyền viên vừa cười vừa nói. Lúc này, các phóng viên không còn bụng da nào mà ăn uống được nữa, thế là cố trở về phòng càng sớm càng tốt, nằm yên một chỗ trên giường, không dám đi lại lung tung.

Vào khoảng 4:00 sáng, sóng yên gió lặng, các phóng viên dưới sự hướng dẫn của một thuyền viên, đến nơi điều khiển bánh lái trên nóc tàu, chỉ thấy có năm sáu cán bộ chiến sĩ đang trực ban. Trên vách tường gần cửa buồng lái tường có treo đồng hồ đo độ nghiêng, một thuyền viên nói với các phòng viên, tối qua tàu đã phải chịu đựng sóng gió cấp 8, thân tàu nghiêng 22 độ, gần đến giới hạn là 25 độ. Thuyền trưởng đã thức trọn một đêm để chỉ huy tàu, toàn thể thuyền viên cũng bình tĩnh điều khiển tàu, đi đến đích thuận lợi.

17 tiếng lênh đênh trên biển, đã khiến cho các phóng viên mệt nhừ, nhưng so với những chuyến đi biển thông thường các cán bộ và chiến sĩ Khu phòng thủ Tam Sa, thì không đáng kể gì.

Cán sự Cục Chính trị Dương Chí Cương đến giờ đang nắm giữ kỷ lục làm việc trên tàu trong 60 ngày liên tục. Ông nói với các phóng viên rằng, lúc say sóng nặng nhất, nôn ra mật xanh mật vàng, sau đó con mèo của ông đến cuối cabin nằm trên sàn nhà bên cạnh chủ, ba ngày ba đêm chỉ ăn một bát cháo, đợi đến khi tàu cập, được dìu lên bờ, khắp mặt bị khói dầu hun đen thui.

Chiến sĩ Nông Sử Thiện đi cùng các nhà báo, tháng 11 năm ngoái tại Nam Sa khi đang thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt thì đột nhiên gặp phải thời tiết đối lưu mạnh, ban đêm khi ngủ trên giường trong boong tàu bị rớt xuống mấy lần, trên cánh tay đầy những vết thâm tím, cuối cùng quyết định lấy sợi dây thừng tự cột mình vào giường, sau đó biện pháp này được cán bộ và chiến sĩ Khu đồn trú Tam Sa phổ biến rộng rãi.

Theo tìm hiểu, cán bộ và chiến sĩ Khu phòng thủ Tam Sa đều được điều chuyển là từ hệ thống quân khu tỉnh, nhiều người xưa nay chưa hề tiếp xúc với biển, thuộc loại “vịt trên cạn”. Trong khi công việc ở Khu phòng thủ Tam Sa đều phải bắt đầu bằng việc thích ứng với say sóng. Sau hành trình 17 giờ lênh đênh trên biển, khiến cho các phóng viên có được cảm nhận chân thực về những gian khổ ở Tam Sa, đồng thời cũng tăng thêm lòng cảm phục.

Lên đảo Triệu Thuật (Đảo Cây) bắt gặp tình huống khả nghi

Đảo Triệu Thuật (Đảo Cây) là điểm cực Nam của tiền đồn dân binh Trung Quốc. Vừa lên đến đảo, các phóng viên chú ý thấy hai tàu cao tốc của Khu phòng thủ Tam Sa nhanh chóng rời khỏi bến tàu. Tiếp đó Tư lệnh viên Khu phòng thủ Tam Sa Thái Hỉ Hồng tiết lộ với các phóng viên, vừa rồi có nhận được báo cáo của dân binh trực bạn, tại vùng biển phụ cận phát hiện tàu thuyền khả nghi, đã cử các chiến sĩ đi điều tra. Vừa dứt lời, hai chiếc thuyền mất hút vào giữa đại dương bao la.

Phòng trực ban của dân binh nằm trên tầng cao nhất tòa nhà chính quyền đảo Triệu Thuật (Đảo Cây), bốn mặt có cửa sổ, 24 tiếng mỗi ngày đều có người gác. Phóng viên bước vào phòng gặp dân binh Lương Chính Quyền đang trực ban, anh ấy đang cầm ống nhòm quan sát phía ngoài. Lương Chính Quyền tuy chỉ mới 28 tuổi, nhưng đã làm dân binh được mười năm rồi. Anh nói: “Mỗi dân binh đều có cách riêng của mình khi nhận diện ra tàu thuyền khả nghi, chúng ta dùng ống nhòm có thể phân biệt một cách nhanh chóng tàu đánh cá ở khơi xa có phải là tàu nước ngoài hay không, bởi vì màu sắc bên ngoài của tàu thuyền không giống nhau, tuyệt đại đa số các tàu đánh cá của chúng ta đều treo cờ Trung Quốc.

Duy trì các quyền hàng hải là nhiệm vụ quan trọng nhất của dân binh Tam Sa. Lương Chính Quyền nói với các phóng viên, anh vừa mới phát hiện thấy hai tàu khả nghi, ngay lập tức lực lượng dân binh báo cáo cho cơ quan hữu quan. Khi được hỏi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển có lo lắng sẽ gặp phải nguy hiểm hay không, các dân binh trả lời : “Có gì phải sợ chứ? Nên sợ phải là tàu thuyn nước ngoài, việc họ đến đây tự nó đã là sai trái rồi, thông thường khi thấy lực lượng dân binh chúng tôi, họ sẽ bỏ chạy ngay lập tức.”

Trong đồn của dân binh trên đảo Triệu Thuật (đảo Cây), phóng viên thấy bốn màn hình sắc nét, có các chấm hiển thị các loại dữ liệu. Trong các camera 360 độ, hiển thị đầy đủ các công trình, phương tiện phòng thủ bờ biển như bến cảng, đường phòng thủ bờ biển, bia chỉ phương hướng các điểm cơ sở lãnh hải…, trên màn hình radar hiển thị rõ ràng các mục tiêu tàu bè qua lại. Thái Hỷ Hồng nói với các phóng viên, “Trạm gác được thông tin hóa như đảo Triệu Thuật (đảo Cây) này đã thực hiện được việc canh gác bình thường trong mọi hoàn cảnh thời tiết, các đảo khác đang thúc đẩy dần dần.”

“Vài năm qua, dân binh Tam Sa tổng cộng triển khai hỗ trợ chấp pháp trên biển hơn 200 lượt tàu, hành trình hơn vạn hải lý, phát hiện và xử lý hành vi xâm phạm bất hợp pháp hàng trăm tàu. Kể từ khi thành lập lực lượng dân binh Tam Sa đến nay, số tàu nước ngoài xâm phạm càng ngày càng giảm.” Chính ủy Khu phòng thủ Tam Sa Liêu Triều Nghị nhận xét, “bây giờ đội ngũ dân binh Tam Sa đã trở thành lực lượng quan trọng không thể thiếu trong việc bảo vệ chủ quyền Nam Hải.”

Không phải là tượng trưng đó là những hành động thực sự để bảo vệ biển

Bên ngoài có một quan điểm rằng, Trung Quốc thành lập Khu phòng thủ Tam Sa, chẳng qua chỉ là một suy tính chính trị, treo tấm biển tuyên bố về chủ quyền mà thôi. Về vấn đề này, Tư lệnh viên Khu phòng thủ Tam Sa Thái Hỷ Hồng nói với các phóng viên: “Sự tồn tại của Khu phòng thủ Tam Sa không phải là tượng trưng”, nằm trên tiền đồn canh gác của cuộc chiến đấu ở Nam Hải, cứ điểm tuyến đầu của hệ thống phòng thủ biển, tiền tuyến mặt trận bảo vệ chủ quyền Nam Hải, sứ mệnh của Khu phòng thủ Tam Sa chính là khẳng định rõ chủ quyền quốc gia, bảo vệ quyền hàng hải và lợi ích trên biển ở Nam Hải, chỉ huy dân binh Nam Hải bảo vệ quyền hàng hải và thực hiện đa dạng hóa các nhiệm vụ quân sự.

Thái Hỷ Hồng là chàng trai Hồ Nam, nhưng khuôn mặt thuộc lại điển hình của cái “đen Tam Sa”. Năm 2012 anh được bổ nhiệm vào năm 2012 là Tư lệnh viện Khu phòng thủ Tam Sa, nhưng anh thích được mọi người gọi là “người lính già Nam Hải” (Nam Hải lão binh). Thái Hỷ Hồng tiết lộ với các phóng viên rằng, năm 2002 anh đã đến thăm bãi Tăng Mẫu (James Shoal) cực nam của Tổ quốc, “ban đêm nhìn thấy xung quanh tàu tầng tầng lớp lớp dày đặc các giàn khoan nước ngoài, đèn đuốc sáng trưng làm việc suốt đêm này, cướp bóc tài nguyên Nam Hải, trong lòng cảm thấy không thể chịu đựng được!” Nửa đầu năm 2016, anh lại đi đến bãi Tăng Mẫu (James Shoal), khi nói về những thay đổi lớn ở quần đảo Nam Sa, “người lính già Nam Hải” này không thể che giấu được niềm xúc động.

Chính trị viên Liêu Triều Nghị nói với các phóng viên, hiện nay mỗi cán bộ của Khu phòng thủ đều đã đến quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Từ tư lệnh viên, chính ủy đến những binh sĩ bình thường, cán bộ chiến sĩ Khu phòng thủ Tam Sa trong cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền, lợi ích ở Nam Hải đều không ngại gian khổ, can đảm kiên trung. “Trong bốn năm qua, Khu phòng thủ Tam Sa tham gia và tổ chức trục xuất, xử lý trên trăm lượt vụ tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền. Cùng với cường độ chấp pháp càng lúc càng tăng, việc quản lý và kiểm soát biển càng lúc càng mạnh thì các vụ việc xâm phạm chủ quyền của tàu cá nước ngoài dần càng được giảm đi nhiều”.

Thái Hỷ Hồng nói: “Trước tình hình Nam Hải ngày càng phức tạp căng thẳng như hiện nay, nhiệm vụ của Khu phòng thủ Tam sa không ngừng mở rộng, đang đẩy mạnh vững chắc từ Tây Sa đến Trung Sa, Nam Sa”.

“Lỗ Trí Thâm[1] trên biển” là lời tán dương uy danh của dân binh

Khi phóng viên bước lên đảo Áp Công (đảo Ba Ba), vừa lúc gặp dân binh trên đảo đang được huấn luyện bởi chiến sĩ khu phòng thủ Liêu Quang Kiệt. Trong đó, có một dân binh tương đối lớn tuổi nhưng vóc dáng mạnh mẽ, da đen sạm, được đào tạo rất tốt. Ông được biết đến như là “Lỗ Trí Thâm trên biển”, đó là chỉ huy dân binh Lý Lân Quân.

Vị dân binh già đã 50 tuổi giải thích với các phóng viên về lai lịch biệt danh của mình. Tháng 7 năm ngoái, trong lúc Lý Lân Quân tham gia phối hợp chấp pháp cùng với cảnh sát biển, gặp sự kháng cự của ngư dân nước ngoài, đối mặt với đối phương lăm lăm xiên cá sắc nhọn trên tay, ông không hề chùn bước, kiên quyết thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Đối phương tức giận, phóng mạnh chiếc xiên về phía Lý Lân Quân, ông tránh không kịp, tay phải bị xiên cá đâm bị thương, máu chảy đầm đìa. Ông không quản thương tích, chờ cho đến khi cùng với nhân viên chấp pháp trấn áp được tất cả thuyền viên nước ngoài mới chịu băng bó sơ qua vết thương.

Lý Lân Quân vừa nói vừa khua tay phải, phóng viên để ý thấy trên tay ông rõ ràng một vết sẹo. “Chẳng qua là bị bọn người trên tàu thuyền nước ngoài cắn một miếng thôi”. Lý Lân Quân giải thích. “Lúc đó không sợ ư?”, một phóng viên hỏi. Ông trả lời: “Sợ gì chứ! Dân binh cũng có lòng can đảm và nhiệt huyết của người lính chứ.

Trước đây, chúng tôi cũng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển, giờ làm dân binh, chúng tôi thấy càng có thêm sức mạnh để bảo vệ chủ quyền. Mấy năm gần đây, các vụ việc vi phạm ngư quyền đã giảm nhiều so với trước.” Một dân binh nói với phóng viên.

Chú thích:

[1] Lỗ Trí Thâm (鲁智深) là một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết văn học cổ điển Trung Hoa Thủy hử. Ý chỉ những người “hào hiệp trượng nghĩa”.

Về nhóm dịch:

Trần Thị Kim Nguyên là cử nhân chuyên ngành luật quốc tế và là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Chử Đình Phúc công tác ở Viện Nghiên cứu Trung Quốc, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành lịch sử tại Đài Loan và là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Bản gốc tiếng Trung: http://news.takungpao.com/mainland/topnews/2016-11/3396006.html

2 thoughts on “[Tư liệu] Quân Dân Tam Sa Đồng Tâm Hiệp Lực Bảo Vệ Chủ Quyền

  1. […] BTV Đại Sự ký Biển Đông:☆(Ba Sàm) Bài báo dưới đây đăng trên Đại Công Báo của Trung Quốc, tường thuật lại chuyến đi của các phóng viên đến quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt “Khu phòng thủ thành phố Tam Sa.” Mặc dù phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã từng phủ nhận việc sử dụng dân quân trên biển trong việc “bảo vệ các quyền hàng hải” của Trung Quốc trên Biển Đông,  bài báo dưới đây đã thừa nhận sự tồn tại của lực lượng này cũng như vai trò của nó trong chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Cũng theo lời tường thuật của các phóng viên bài báo, lực lượng dân quân sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ra tới quần đảo Trường Sa. Độc giả có thể đọc thêm tuyển tập các nghiên cứu và báo cáo về lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc tại https://seasresearch.wordpress.com/category/events-and-analyses/maritime-militia-in-the-south-china-sea/ […]

    Like

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.